Đu đủ là loại cây trồng mau cho trái, năng suất cao, dễ tiêu thụ và có hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, đu đủ thường được trồng xen trong nhiều vườn cây ăn trái ở giai đoạn kiến thiết cơ bản với chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Mặc dù dễ trồng, nhưng hiện nay trong mùa nắng nóng nhiều nhà vườn trồng đu đủ đang phải đối mặt với nhóm rệp sáp và nhện đỏ phát triển và gây hại trên đu đủ làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng trái.
Rệp sáp là loại sâu hại rất phổ biến trên đu đủ. Nhóm rệp sáp gây hại trên đu đủ có nhiều loài, có thể phân làm 2 nhóm: nhóm Rệp sáp dính như Rệp sáp vảy (Lepidosaphes sp.), Rệp sáp (Aonidiella sp.) và nhóm Rệp sáp bông như Rệp bông trắng, Rệp sáp Planococcus sp….
Rệp sáp dính gây hại trên trái đu đủ.
Rệp sáp vảy (Lepidosaphes gloverii ): Thành trùng dài 2,5-3,5 mm cơ thể ốm dài (hình que), phần lưng hơi nhô lên. Ấu trùng tuổi nhỏ có màu nâu vàng đến nâu. Bên ngoài cơ thể rệp bao phủ bởi lớp vẩy hình bầu dục hoặc tròn. Trứng rất nhỏ, màu vàng, nằm dưới bụng con cái.
Rệp non tuổi 1 màu vàng nâu, hình bầu dục, từ tuổi 2 trở đi không di động và bắt đầu tiết sáp che phủ cơ thể. Rệp sáp (Aonidiella sp.): Cơ thể có dạng hình hơi tròn, mỏng, màu xám. Chúng bám chặt vào vỏ trái, thân để hút nhựa cây.
Rệp bông trắng:
Thân rệp nhỏ như hạt tấm, màu hồng, xung quanh có tua sáp ngắn màu trắng như bông gòn phủ bên ngoài cơ thể (còn gọi là rệp phấn) nên ít tiếpxúc với thuốc. Rệp thường bám nhiều trên cuống trái, đôi khi có trên lá và thân đu đủ.
Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút nhựa của các phần non của cây đu đủ như đọt non, lá non, cuống trái, trái non và trên cả những trái đã già lớn. Rệp bám trên trái để lại những dấu chấm trắng, chích hút nhựa trái, làm trái nhỏ, biến dạng và giảm giá trị thương phẩm của trái.
Ngoài gây hại trực tiếp trong chất bài tiết của rệp còn giúp nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến quang hợp của cây, giảm năng suất và phẩm chất của trái. Rệp sáp gây hại nhiều trên các vườn trồng dày, bón nhiều phân đạm. Trong tự nhiên rệp sáp có nhiều thiên địch tấn công như: Bọ rùa, các loài ong ký sinh và nhiều loài ăn mồi khác. Rệp sáp sinh sản nhanh và phát triển với mật số rất cao, đôi khi bám dày đặc trắng xoá trên lá, thân, trái (nông dân thường nhầm tưởng là bệnh).
|
|
Rệp sáp gây hại trên thân và lá đu đủ. |