Chat hỗ trợ
Chat ngay

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY LÊ

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY LÊ

 

Quy trình thực hiện
Ở miền núi phía Bắc có nhiều giống lê địa phương: Thạch An (Cao Bằng), Đông Khê (Lạng Sơn), Ba Bể (Bắc Kạn), Sìn Hồ (Lai Châu)… đây là các giống lê địa phương có quả màu nâu hoặc xanh. Tuy nhiên thịt quả thường chua, chát và có hiện tượng ra quả cách năm.
Giống lê Tai Nung 6 (VH6) có nguồn gốc từ Đài Loan được nghiên cứu khảo nghiệm tại Trại rau quả Bắc Hà từ tháng 8/2002. Đây là giống sinh trưởng mạnh, phân cành nhiều phù hợp với khí hậu Bắc Hà, Sa Pa và một số vùng sinh thái vùng cao, nơi có độ cao trên 600 mét so với mực nước biển trở lên. Đây là giống hiện nay chủ yếu được trồng ở Bắc Hà (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Hoàng Su Phì (Hà Giang)…
Đặc điểm của lê VH6 là thân cây non có màu xanh, thân già màu nâu đậm, vỏ cây nhẵn. Lá hình elíp, mép lá có răng cưa nhỏ, lá màu xanh đạm, bóng, dày và cứng. Hoa ra thành chùm, mỗi chùm có 7 – 9 hoa, hoa có 5 cánh, màu trắng. Quả hình tròn dẹt, vỏ màu vàng nhạt, mịn và mỏng. Thịt quả có vị ngọt mát, tỷ lệ phần ăn được cao, có mùi thơm đặc trưng. Khối lượng quả TB từ 300 – 400 gam/quả. Quả chín vào cuối tháng 6 đầu tháng 7.
1.  Kỹ thuật nhân giống           
Lê nên trồng bằng cây nhân giống bằng ghép mắt hay ghép cành. Gốc ghép thích hợp cho cây lê ăn quả là cây lê dại (Mắc coọt). Thời vụ ghép lê có thể quanh năm, trừ những tháng mưa nhiều. Tháng 4 – 5 cây gốc ghép nhỏ có thể ghép cành bên, tháng 8 – 9            cây gốc ghép lớn có thể ghép mắt và tháng 12 – 1 có thể ghép nêm.
.2.  Đất trồng, đào hố, bón lót 
– Lê có thể trồng ở nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất và cho năng suất cao ở đất
mâù mỡ có độ ẩm ở ven đồi, khe núi.
– Đào hố sâu 70 cm, rộng 70 cm, để đất mặt riêng lót xuống đáy hố.
– Bón lót cho mỗi hố 20 – 30 kg phân hữu cơ + 0,2 – 0,5 kg supe lân + 0,5 -1,0 kg vôi bột. Trộn đều phân với lớp đất mặt đưa xuống đáy hố. Lấp đất đầy hố trước khi trồng 15 – 30 ngày, đợi thời tiết tốt sẽ trồng cây. Nếu đất có nhiều mối phải tiến hành xử lý diệt mối trước khi trồng.
3. Mật độ, khoảng cách           
Lê trồng với khoảng cách: cây cách cây 5 m. Mật độ 400 cây/ha.
Nên trồng xen 5 – 10% các giống lê khác giống để tăng cường thụ phấn tự nhiên cho lê.
4. Thời vụ:       
Ở miền núi nên trồng cây vào vụ Xuân tháng 2, tháng 3 khi đã có mưa ẩm và cây chưa lên lá, lộc non để có tỷ lệ sống cao.
5. Cách trồng và chăm sóc:
– Khi thời tiết thuận lợi thì đưa cây ra trồng, moi một hốc ở chính giữa hố, đặt cây
vào hốc theo thế tự nhiên, lấp đất. (Chú ý không lấp kín vết ghép). Dùng rơm, rạ hoặc cỏ khô tủ vào gốc để giữ ẩm cho cây. Tưới 10 – 15 lít nước cho mỗi gốc.
– Sau trồng khoảng 1 – 2 tháng (khi cây đã bén rễ, hồi xanh) có thể dùng nước giải,
nước phân lợn pha loãng theo tỉ lệ 1/10, cách gốc 50 – 60 cm.
– Trồng bằng cây ghép chú ý loại bỏ các mầm mọc từ phía dưới mắt ghép, vì đó là
mầm của gốc ghép, mọc ra cây lê dại, quả nhỏ.
6. Kỹ thuật sử dụng phân bón
– Lượng phân bón:
Sau trồng 2 – 3 năm cây đã có thể cho thu hoạch quả, tùy theo sinh trưởng và thu hoạch quả mà hàng năm có thể bón lượng phân cho một cây lượng phân như sau:
+ Thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm đầu): Mỗi năm bón cho 1 cây: 20- 30 kg phân hữu cơ + 0,5 kg đạm urê + 1,0 kg phân super lân + 0,5 kg phân ka ly và 1,0 kg vôi bột.
+ Thời kỳ kinh doanh: mỗi năm bón cho 1 cây: 30 – 40 kg phân hữu cơ + 0,7-1,0 kg đạm urê + 1,5 – 2,0 kg phân supe lân + 0,7 – 1,0 kg phân ka ly và 1,0 kg vôi bột.
–  Thời gian bón:          
+ Lần 1: Bón nuôi lộc Xuân, nuôi hoa vào tháng 2 – 3: phân đạm 50% và phân ka ly
30%.
+ Lần 2: Bón nuôi quả và lộc Thu từ tháng 4 đầu tháng 6 (chia phân làm 2 – 3 lần):
phân đạm 50% và phân ka ly 40%.
+ Lần 3: Bón phục hồi sau khi thu hoạch quả vào tháng 10, tháng 11: Bón toàn bộ
phân hữu cơ + vôi + phân lân và phân ka ly 30%.
–  Cách bón       
Phân hữu cơ, vôi, phân lân đào rãnh xung quanh tán cây sâu 20 cm, rộng 15 – 20
cm, bón phân lấp đất. Phân đạm và ka ly nếu đất khô thì hoà nước tưới, nếu đất ẩm thì rắc            phân xuống đất xung quanh tán xới nhẹ lấp đất kín phân để tránh bốc hơi và rửa trôi phân    bón.
7. Tưới nước, giữ ẩm, làm cỏ:
Cây lê rất cần đến nước nhất là giai đoạn cây mới trồng cây và thời gian khô hạn
kéo dài. Sau trồng, tuỳ tình hình thời tiết 2 tháng đầu tiến hành tưới nước cho đủ ẩm đất.
Thời kỳ mang quả, cây cần nước để nuôi quả, cần tủ gốc giữ ẩm và tùy theo thời tiết từng năm để điều chỉnh số lần tưới.
Cần tiến hành làm cỏ thường xuyên để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây lê,
đồng thời không để chỗ cho sâu, bệnh trú ngụ.
Làm khung giàn cố định tán. Đây là khâu kỹ thuật quan trọng để quyết định đến năng suất quả.
Nếu có điều kiện thì đầu tư hệ thống khung giàn làm bằng cột bê tông, cốt thép có
ɸ = 15 – 20 cm, cột cao 2,0 m, đáy có đổ đế bằng bê tông sâu 40 cm. Các cột được chôn sâu 40 cm giữa các hàng cây với khoảng cách 3 – 4 m. (hoặc ống kẽm ɸ = 32 mm). Phía trên giàn hàn toàn bộ khung bằng đường ống kẽm ɸ = 20 mm, căng toàn bộ giàn bằng thép 6 mm, khoảng cách 50 – 60 cm một dây.
Nếu không có điều kiện thì vin uốn cành bằng cách dùng dây ni lông buộc cố định
một đầu vào cành, uốn cành theo vị trí mong muốn và đầu dây còn lại buộc vào gốc hoặc ghim xuống đất.
8. Kỹ thuật vin cành:   
Vào năm thứ 2 sau trồng chọn 3 – 4 cành cấp 1 để tạo bộ khung tán, mỗi cành cấp
1 để lại 2 – 3 cành cấp 2, vin cành tạo tán theo khung giàn đã được định hình, hoặc vin cành bằng dây néo 75 độ vào gốc. Vin cành vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 khi cây vừa rụng lá. Khi vin cành, vặn cành hơi xoay nhẹ không để bị gãy hoặc dập cành.
Hàng năm cần cắt tỉa các cành mọc không đúng chỗ, tỉa các cành la, cành tăm để
tập trung dinh dưỡng.
9.  Kỹ thuật bọc quả:   
Để quả lê có mẫu mã đẹp, hạn chế sâu bệnh đặc biệt là ruồi đục quả nên sử dụng
túi bọc quả chuyên dụng để bọc quả. Bọc khi quả có đường kính 3 – 5 cm (tức là sau khi đậu quả 40 – 50 ngày). Dùng túi bọc quả chuyên dùng, lồng vào quả sau đó dùng ghim dập định vị túi bọc vào quả ở trên cành.
10.  Kỹ thuật ghép chồi hoa:   
Lê là cây ăn quả ôn đới điển hình, phải trồng ở những nơi có đủ độ lạnh cây mới phân hóa mầm hoa và ra quả. Để sản xuất lê ở các vùng thấp, nơi có điều kiện nhiệt độ cao có thể áp dụng kỹ thuật sử dụng các chồi hoa lê đã được phân hóa mầm hoa ở vùng có khí hậu lạnh và ghép vào gốc ghép cây lê để cây có thể ra hoa, kết quả và cho thu hoạch. Công nghệ mới này đã được áp dụng đối với sản xuất lê công nghệ cao ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
*) Chọn chồi hoa lê:   
Chồi hoa là chồi lê đã được phân hóa mầm hoa trong điều kiện có độ lạnh, thường
là ở các cây lê đã cho thu hoạch quả ở các vùng núi cao. Đây là cành mẹ được sinh ra từ cành vụ Hè hoặc vụ Thu năm trước, trải qua mùa Đông (tháng 11 – 12) các cành này hình thành lên các mầm hoa và sẽ nở thành hoa và hình thành quả vào tháng 1. Chọn chồi có các mầm đã phình to, chiều dài 5 – 10 cm, trên có 3 – 5 mầm hoa.
*) Bảo quản chồi hoa:
Chồi hoa sau khi cắt phải được ghép ngay, để lâu tỷ lệ ghép sống sẽ thấp. Nếu phải
vận chuyển xa có thể cắt chồi dài 20 – 30 cm, để hom trong bẹ chuối, giấy bản hoặc vải, hàng ngày dấp nước lã 1 – 2 lần. Khi ghép loại bỏ những mắt ở đầu và cuối cành ghép có chồi hoa.
*) Kỹ thuật ghép
+ Dụng cụ ghép:          
– Dao ghép phải bằng loại thép tốt, đủ độ cứng, tốt nhất là loại thép không gỉ, dao
phải được mài sắc để đảm bảo cắt mắt ghép, cành ghép phải phẳng, mịn, ngọt, không xơ và chính xác. Dao ghép tốt nhất là loại dao ghép Trung Quốc mài phẳng 1 bên để khi cắt vết cắt không bị vặn.
– Dây ghép nên dùng loại dây nilon tự huỷ chuyên để ghép, vừa bền, chắc.
– Kéo cắt cành dùng để cắt cành ghép, gốc ghép không bị dập nát.
+ Thời vụ ghép:
Thường ghép vào cuối tháng 12, đầu tháng 01 khi mầm hoa đã nổi rõ và lá đã rụng
hết.
Chăm sóc cây gốc ghép:       
Gốc ghép là các cây lê địa phương, lê dại, cây có tuổi 2 – 10 tuổi, được chăm sóc tốt, cắt tỉa để trên cây 1 – 5 cành có đường kính 0,8 – 1,2 cm     .
+ Kiểu ghép
Sử dụng phương pháp ghép nêm hoặc ghép áp. Thao tác cụ thể như sau:
– Làm vệ sinh gốc ghép, cắt bỏ bớt cành phụ, gai ở đoạn cành phía dưới chỗ ghép.
Làm sạch cỏ vườn, bón phân dễ tiêu, tưới nước để cây chuyển động nhựa tốt. (nên để lại            những lá mọc ở gốc ghép nhằm tiếp tục cung cấp dinh dưỡng cho cây ghép sau khi ghép)   .
– Dùng kéo cắt cành cắt ngang gốc cành ghép, chẻ dọc gốc ghép theo chiều từ trên
xuống dưới dài 2 – 3 cm. Vết chẻ ở chính giữa gốc ghép (đối với ghép nêm) hoặc một phần vỏ của gốc ghép (đối với ghép cành bên).
– Cắt 1 đoạn cành ghép có 2 – 3 mắt ngủ, trên có các mầm hoa. Dùng dao vát 2 bên
gốc cành ghép (đối với ghép nêm) hoặc vát 1 bên (đối với ghép cành bên). Chú ý vết cắt vát phải thật phẳng để cành ghép có thể tiếp xúc tốt với gốc ghép.
– Đưa cành ghép vào phần đã chẻ của gốc ghép làm sao cho phần vỏ của gốc ghép
phải được tiếp xúc với phần vỏ của cành ghép thật khít. Dùng dây nilon chuyên dùng buộc thật chặt phần ghép giữa gốc ghép và cành ghép, sau đó buộc cuốn 1 lớp mỏng lên phần cành ghép để giảm sự thoát hơi nước của cành ghép hoặc dùng 1 túi nilon nhỏ chụp ra ngoài bao cả cành ghép và mắt ghép.
– Sau 2 – 3 tuần, mầm hoa từ cành ghép mọc và đâm thủng nilon mỏng chui ra
ngoài.
 Chú ý: Thao tác cắt mắt ghép, gốc ghép phải nhanh, chuẩn xác để tránh ôxy hoá
và tạo mặt phẳng không có khe hở giữa gốc ghép với mắt ghép hoặc cành ghép. Khi buộc dây nilon phải chặt và chuẩn xác để tượng tầng của gốc ghép với cành ghép hoặc mắt ghép được gắn khít vào nhau.
*) Chăm sóc cây sau khi ghép:
Sau khi cắt ngọn gốc ghép, các mầm ở phần gốc ghép mọc lên nhiều, cần loại bỏ để
tập trung dinh dưỡng cho mầm hoa phát triển. Có thể dùng dao sắc chích nilon mỏng để mầm hoa dễ chui ra ngoài. Chăm sóc cây gốc cho cây sinh trưởng tốt.
*) Chăm sóc cây khi có quả    
Khi hoa nở có thể dùng kéo tỉa bớt các hoa dị hình, chỉ để 3 – 5 hoa/chồi. Khi quả
hình thành, tỉa bớt các quả nhỏ, chỉ để 1 – 2 quả/cành. Khi quả có đường kính 3 – 4 cm, dùng túi bọc quả chuyên dùng để bọc quả. Nếu dùng túi nilon phải lót bên trong bằng túi lưới xốp để nilon không dính trực tiếp vào vỏ quả, làm cháy, rám quả.
11. Phòng trừ sâu bệnh           
+ Ruồi vàng đục quả    
Đây là loại thường phá trên nhiều loại quả: mận, đào, cam, quýt, ổi, lê… Ruồi đến đẻ
trứng trên vỏ quả, trứng nở thành dòi đục thối quả, quả rụng hoặc không ăn được.
Phòng trừ bằng cách:
– Biện pháp vệ sinh đồng ruộng: Thu nhặt và tiêu huỷ các quả thối, rụng bị ruồi hại,
có tác dụng hạn chế lớn số lượng ruồi hại quả.
– Thu hoạch quả sớm: Chọn thời điểm thích hợp nhất thu hoạch quả, không nên để
quả quá chín trên cây, hạn chế tác hại của ruồi.
– Bao bọc quả: Dùng túi bọc quả chuyên dùng 2 lớp để bọc sau khi quả hình thành
20 – 30 ngày. Bên ngoài là túi nilon mỏng có đục lỗ thoát nước, bên trong là túi xốp trắng để quả không bị rám. Trước khi bọc quả nên phun thuốc trừ nấm bằng Ridomin 68WG.
– Dùng bả: Dùng Metyl Eugernol pha với 5% Nalet để làm bả diệt ruồi đực. Cách
làm như sau: Dùng một mảnh vải nhỏ (chiều rộng 2cm, chiều dài 10cm) nhúng hỗn hợp thuốc đã pha theo tỷ lệ nói trên, treo vào các cành nhỏ dưới tán cây. Phía trên bả cần che mảnh nilon khoảng 15 cm x 15 cm để tránh mưa. Mùi này giống mùi con cái tiết ra để            dẫn dụ ruồi đực đến giao phối nên khi chúng kéo đến sà vào bả bị ngộ độc chết hàng loạt      do thuốc Nalet. Trứng do ruồi cái đẻ ra không thể thụ tinh thì không nở ra sâu non. Mỗi héc ta treo 4 – 5 bả, cách 1 tuần thay bả một lần. Cần treo bả ngay từ đầu vụ đến sau khi đã thu hoạch xong một tháng nhằm hạn chế sự phát triển của ruồi cho những năm sau.
+ Sâu đục thân, đục cành        
Là sâu non của xén tóc (xanh, hoa, hoặc nâu), sâu to bằng đầu đũa, xén tóc đẻ trứng
trên kẽ các cành non, sâu non nở ra phá từ cành non xuống dần các cành già phía dưới, làm cành héo dần khô và chết. Sâu sống trong đường ống rỗng giữa lõi cành & cứ từng đoạn 18 – 25 cm đục ra ngoài 1 lỗ, miệng lỗ hướng xuống dưới, từ đó đùn ra bột gỗ mới.
Phòng trừ bằng cách:
– Bắt xén tóc, cắt bỏ và tiêu hủy những ngọn cành bị héo trong vụ Xuân.
– Dùng dây thép nhỏ, tay mây để chọc chết sâu hoặc bắt sâu non.
– Dùng bông tẩm thuốc bảo vệ thực vật bịt vào lỗ sâu đục
– Phun các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt trứng sâu.
+ Bệnh chảy gôm         
Bệnh do nấm gây ra, thường phát sinh ở phần gốc cây, cách mặt đất khoảng 20 – 30
cm trở xuống cổ rễ và phần rễ. Giai đoạn đầu bệnh mới phát sinh thường vỏ cây bị nứt và            chảy nhựa (chảy gôm). Bóc lớp vỏ ra, ở phần gỗ bị hại có màu xám và nhìn thấy những mạch sợi đen hoặc nâu chạy dọc theo thớ gỗ. Bệnh hại nặng, lớp vỏ ngoài thối rữa (giống như bị luộc nước sôi) và rất dễ bị tuột khỏi thân cây, phần gỗ bên trong có màu đen xám. Nếu tất cả xung quanh phần cổ rễ bị hại, cây có thể bị chết ngay, nếu bị một phần thì cây bị vàng úa, sinh trưởng kém, bới sâu xuống dưới có thể thấy nhiều rễ cũng bị thối.
Phòng trừ bằng cách:
– Đối với vết hại cục bộ phần thân gốc: Cạo sạch vết bệnh, dùng thuốc Aliette nồng
độ 0,5% quét vào vết bệnh hoặc quét vôi vào gốc khi làm vệ sinh vườn sau khi thu hoạch quả.
– Đối với những cây có biểu hiện triệu chứng nhẹ cần phun Aliette nồng độ 0,3%
lên toàn bộ cây.
– Chú ý đào rãnh thoát nước tốt cho vườn cây, tránh tình trạng gây úng cục bộ.
12. Thu hoạch quả      
Thu hái khi quả bắt đầu chín vỏ quả chuyển màu xanh vàng, nếu vận chuyển xa
cần thu hái sớm. Khi thu hái cần nhẹ nhàng, không làm dập nát hoặc xây xát quả. Quả thu hái xong cần đặt vào thùng gỗ, hộp cứng để vận chuyển không bị dập nát. Bảo quản quả ở nơi khô ráo thoáng mát.

Tác giả bài viết: Trang (biên tập)

VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH 

Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp

❇️Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn

📞Liên hệ mua hàng : 0984.535.820

📞Tư vấn kỹ thuật : 0933.067.033

⭕️Link web :https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/

⭕️Link youtube :https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng

Xin cảm ơn!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN x